So với các huyện miền núi khác trong tỉnh, sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) ở huyện Vĩnh Thạnh còn khá ít. Dù vậy, nỗ lực của UBND huyện Vĩnh Thạnh trong hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP (mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm…) đã đạt một số kết quả nhất định.
Vĩnh Thạnh hiện có 4 sản phẩm OCOP, trong đó cơ sở nem chả Quốc Hội (thôn Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thịnh) có 2 sản phẩm là chả lụa và nem chua. Ông Bùi Quốc Hội, chủ cơ sở này cho biết: Từ chỗ là hộ cá thể sản xuất với quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong huyện, được sự động viên của huyện, 3 năm qua, tôi đầu tư thêm máy móc, triển khai sản xuất khép kín, nhờ đó chất lượng và sản lượng đều tăng cao; mở rộng thị trường tiêu thụ ra toàn tỉnh và tại các tỉnh, thành khác như Gia Lai, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh… Năm 2021, theo sự chỉ đạo của UBND huyện, các ngành, chính quyền xã tích cực hỗ trợ cơ sở hoàn thiện sản phẩm, bao bì, mẫu mã... và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là động lực lớn để cơ sở tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Chỉ với 12 hộ nấu rượu nhưng làng rượu Vĩnh Cửu ở xã Vĩnh Hiệp lại khá nổi tiếng nhờ duy trì cách nấu rượu truyền thống và đặc biệt chỉ dùng nguyên liệu gạo lức của đồng bào Bana. Độc đáo với hương vị riêng, nhưng nhiều năm qua, rượu Vĩnh Cửu vẫn không mở rộng được thị trường ra ngoài huyện. Để hỗ trợ các hộ nấu rượu giữ nghề và giữ một sản phẩm đặc trưng của địa phương, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Vĩnh Hiệp với mục đích tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các hộ dân, chịu trách nhiệm hoàn chỉnh nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm và hoàn thiện thủ tục đăng ký OCOP. Nhờ vậy năm 2021, sản phẩm rượu Vĩnh Cửu đã được UBND tỉnh công nhận hợp chuẩn OCOP 3 sao.
Theo khảo sát của HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Vĩnh Hiệp, mỗi năm làng rượu Vĩnh Cửu cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 - 20.000 lít rượu. HTX đang cố gắng quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tiêu thụ gấp 1,5 lần hiện nay. Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ một hộ nấu rượu ở làng Vĩnh Cửu, cho biết: Từ khi có HTX bao tiêu sản phẩm, chúng tôi hăng hái duy trì và nâng cao phẩm cấp rượu, cùng nhau xây dựng thương hiệu làng nghề. Giờ đây, tôi tập trung nấu rượu quanh năm còn khâu tiêu thụ sẽ do HTX đảm trách.
Có thâm niên hơn 30 năm sản xuất rượu nhung nai, nhưng mãi đến năm 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Duyên mới đăng ký thành lập Công ty TNHH SPRINGCHI ở thôn Đăk Tra, xã Vĩnh Kim. Bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc công ty TNHH SPRINGCHI, cho biết: “Chúng tôi sử dụng rượu nguyên liệu là loại rượu làm từ gạo, men lá cây do đồng bào Bana làm và nước khoáng nóng. Nhung nai lấy từ đàn nai nuôi ở trang trại rộng 20 ha của gia đình. Nhung nai, mật ong ruồi ủ trong rượu nguyên liệu thêm 1 năm nữa mới chiết xuất, đóng chai và đưa ra thị trường”. Sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc, cải tiến bao bì, quảng bá trên nhiều không gian, môi trường khác nhau. Năm 2021, sau khi được chứng nhận hợp chuẩn OCOP 3 sao, rượu nhung nai Vĩnh Kim bắt đầu tìm thấy nhiều khách hàng trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Huyện Vĩnh Thạnh còn nhiều sản phấm chất lượng cao như: Tinh bột mì, tinh bột nghệ, mật ong rừng, trái ươi, cam sành… Và hầu hết các chủ thể sản phẩm OCOP ở huyện Vĩnh Thạnh đều chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương. Để phát triển sản phẩm OCOP, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập ban điều hành, tổ giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Các ngành, đơn vị liên quan phụ trách từng nội dung, bộ tiêu chí OCOP của tỉnh để hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia chương trình.
Trong phát triển sản phẩm OCOP, huyện Vĩnh Thạnh ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Năm 2022, huyện tiếp tục hỗ trợ duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để giữ gìn niềm tin trong người tiêu dùng; tập trung phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, tiếp thị các sản phẩm địa phương trên nhiều kênh truyền thông, nhiều không gian khác nhau. Qua đó hy vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP có vị thế tốt, thương hiệu mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”.
Theo HẢI YẾN/baobinhdinh.vn